Để tận dụng thành công cơ hội từ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, VCCI đề xuất 6 kiến nghị gửi Quốc hội và Chính phủ.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Hướng dẫn của cơ quan nhà nước về FTA phức tạp và khó hiểu

Tại buổi làm việc này, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập nhấn mạnh doanh nghiệp vẫn còn chưa quan tâm nhiều đến các FTA.

Báo cáo của VCCI tại buổi làm việc cho thấy cách thức hướng dẫn của các cơ quan nhà nước với các FTA thế hệ mới còn khó hiểu, phức tạp, còn bản thân nhiều doanh nghiệp không có hành động chuẩn bị nào cho việc tận dụng cơ hội hay dự phòng các rủi ro từ việc thực thi các FTA.

Năm 2016, VCCI tiến hành điều tra 250 trong 4 ngành sản xuất (dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử) công bố 4/2016, hai yếu tố lớn nhất cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA lần lượt là tình trạng thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện (84%) và bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý Nhà nước. Những vấn đề thuộc về năng lực của doanh nghiệp (năng lực cạnh tranh kém, khó đáp ứng quy tắc xuất xứ và cam kết bất lợi) cũng rất lớn, nhưng vẫn xếp sau các yếu tố gắn với hành động của cơ quan Nhà nước.

Ba năm sau chúng tôi đã tiến hành thăm dò tại một cuộc hội thảo về Hiệp định CPTPP với hơn 300 doanh nghiệp. Nhưng kết quả chúng tôi nhận lại thật sự rất buồn bởi kết quả vẫn y hệt như 3 năm trước”, bà Trang nhấn mạnh.

Báo cáo của VCCI cũng phản ánh, theo khảo sát 8.600 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam (trong khuôn khổ Điều tra PCI) do VCCI công bố 3/2019 thì tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về các FTA tiêu biểu (đã tìm hiểu một số cam kết hoặc đã tìm hiểu kỹ) chỉ là thiểu số (kể cả FTA lớn như CPTPP), cao nhất là AEC cũng chỉ là 37%. Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết sâu về các FTA hầu như rất nhỏ, thấp nhất là với FTA giữa Việt Nam và EAEU (1%), cao nhất là với AEC (3%).

Kiến nghị 2 giải pháp với Quốc hội và 4 giải pháp với Chính phủ

Những minh chứng trên cho thấy còn nhiều yếu tố cản trở doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA. Nhưng lỗi đầu tiên thuộc về doanh nghiệp, bà Trang nhấn mạnh.

Do đó, về phía doanh nghiệp, VCCI đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động đi trên con đường hội nhập đã được mở rất rộng.

Với Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Quốc hội chú ý tới các vấn đề sau.

Thứ nhất, yêu cầu Chính phủ định kỳ báo cáo về các kết quả thực thi, so sánh với các dự báo đánh giá thời điểm phê chuẩn, so sánh với kế hoạch tổng thể thực thi, nhận diện bất cập, nguyên nhân và các giải pháp xử lý

Thứ hai, định kỳ rà soát lại các khung khổ pháp luật và có điều chỉnh, cập nhật chương trình lập pháp để đáp ứng các yêu cầu trong thực hiện EVFTA

Với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét, thiết lập một đầu mối cấp Chính phủ về các FTA để cung cấp thông tin và xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các FTA, đặc biệt trong các trường hợp liên quan tới nhiều bộ ngành, lĩnh vực, địa phương.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xây dựng và công khai Báo cáo tổng kết hàng năm về tình hình thực thi các FTA (kết quả, hạn chế bất cập, nguyên nhân, giải pháp xử lý).

Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ và thực chất các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh, góp phần giải phóng nguồn lực và năng lực sáng tạo, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Cuối cùng, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có giải pháp triệt để cải thiện các nút thắt về (i) cơ sở hạ tầng; (ii) chất lượng, năng suất lao động; (iii) khả năng tiếp cận vốn (đặc biệt trong giai đoạn hậu COVID).

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp