Ngày 11/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo đó, quy định cụ thể tiêu chí xác định ngành sản xuất trong nước trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại; các nhà sản xuất hoạt động trong một khu vực địa lý riêng biệt có thể được coi là ngành sản xuất trong nước nếu toàn bộ hoặc phần lớn sản lượng hàng hóa được tiêu thụ trong khu vực đó, và nhu cầu tại đây không được đáp ứng đáng kể bởi các nhà sản xuất từ các khu vực khác; quy định chi tiết cách xác định thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, đe dọa gây thiệt hại và ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Các yếu tố như sự gia tăng nhập khẩu, tác động giá cả và tình trạng sản xuất trong nước được xem xét kỹ lưỡng.
Về quy trình điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm việc thẩm định hồ sơ, quyết định điều tra, và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời hoặc chính thức. Thời hạn điều tra không quá 9 tháng, có thể gia hạn thêm 3 tháng trong trường hợp đặc biệt.
Nghị định cũng quy định về các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, như sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam hoặc nước thứ ba, và thay đổi không đáng kể hàng hóa. Quy trình điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh cũng được chi tiết hóa. Hướng dẫn cách xử lý khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm việc khởi kiện và yêu cầu bồi thường.
Việc ban hành Nghị định 86/2025/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam chủ động, kịp thời ứng phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời tạo môi trường thương mại công bằng cho các doanh nghiệp trong nước. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
Nguồn: TBT Quảng Ninh