Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 113:2023/BGTVT được Bộ Giao thông Vận tải Ban hành kèm theo Thông tư 46/2023/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử vành bánh xe mô tô, xe gắn máy. Mã số đăng ký: QCVN 113:2023/BGTVT. Thông tư 46/2023/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2024.

Theo đó yêu cầu chung về kỹ thuật với vành, vành bánh xe mô tô, xe gắn máy phải được chế tạo đúng theo thiết kế hoặc tài liệu kỹ thuật của cơ sở sản xuất. Bề mặt vành, vành bánh xe không được có vết rạn, nứt và các khuyết tật khác có thể nhìn thấy được. Vành, vành bánh xe phải ghi mã đường kính và mã chiều rộng danh nghĩa của vành tại các vị trí có thể nhìn thấy được sau khi lắp lốp. Vành, vành bánh xe phải có khả năng chống gỉ sét (mạ, sơn phủ, vật liệu chống gỉ …). Không áp dụng cho những phần không nhìn thấy trên bề mặt vành, vành bánh xe sau khi lắp lốp.

Kích thước và dung sai của vành, vành bánh xe phải đúng theo tài liệu thiết kế hoặc tài liệu kỹ thuật của cơ sở sản xuất. Vành sử dụng trong vành bánh xe có kết cấu ghép sử dụng nan hoa phải đáp ứng các yêu cầu: Sai lệch đường kính; Sai lệch đường kính vành (hiệu giữa giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của đường kính vành của vành bánh xe có kết cấu ghép) không được lớn hơn 1,2 mm; Độ đồng phẳng của vành được đo bằng cách đặt vành lên mặt phẳng chuẩn như hình. Khe hở lớn nhất giữa vành và mặt phẳng chuẩn không được lớn hơn 0,8 mm. Vành không bị gãy hoặc rạn nứt.

Về đăng ký thông số kỹ thuật phải thể hiện các thông tin: Loại vành; Mã đường kính và mã chiều rộng danh nghĩa; Ký hiệu kích cỡ lốp lắp cho vành/vành bánh xe; Áp suất lốp; Vị trí lắp trên xe; Tải trọng cho phép lớn nhất tác dụng lên bánh xe; Kết cấu vành bánh xe.

Nguồn: TBT Quảng Ninh