Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 tập hợp các quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, ngành nghề hoặc quy mô, để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới.
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả các phương pháp tiếp cận, như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ, các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế, quản lý quan hệ đối tác trong đổi mới… ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như bộ tiêu chuẩn ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường, vv
Vì sao doanh nghiệp nên quan tâm đến ISO 56000?
ISO 56000 giúp lãnh đạo các doanh nghiệp suy nghĩ nhiều hơn về quản lý đổi mới như cách họ quản lý sở hữu trí tuệ, cách họ duy trì kiến thức và sự hiểu biết, và cách họ quản lý các ý tưởng. Điều này không chỉ tốt cho doanh nghiệp, mà còn đối với toàn bộ hệ sinh thái quản lý đổi mới.
Với ISO 56000, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đã có quy mô và các tập đoàn đa quốc gia sẽ:
- Suy nghĩ lại về cách họ quản lý mối quan hệ với các đối tác đổi mới;
- Quản lý các phương pháp họ sử dụng để đạt được thành công trong đổi mới;
- Tìm hiểu cách thức đào tạo về quản lý đổi mới và khám phá lý do tại sao cần thực hiện các hoạt động đánh giá quản lý đổi mới.
Các yếu tố chính của hệ thống quản lý đổi mới
– Bối cảnh: Theo dõi các vấn đề bên ngoài và bên trong như các yêu cầu của khách hàng, công nghệ phát triển để xác định các cơ hội và thách thức để kích hoạt đổi mới.
– Lãnh đạo: Lãnh đạo cao nhất thể hiện khả năng lãnh đạo và cam kết bằng thiết lập tầm nhìn, chiến lược và chính sách đổi mới, bao gồm cả việc xác định vai trò và trách nhiệm.
– Lập kế hoạch: Mục tiêu đổi mới, cơ cấu tổ chức và danh mục đổi mới cần xây dựng dựa trên sự chỉ đạo của lãnh đạo cao nhất.
– Hỗ trợ: Cần hỗ trợ cần thiết cho các hoạt động đổi mới, như: con người, tài chính và các nguồn lực, công cụ và phương pháp khác, giao tiếp và nhận thức nâng cao hoạt động, phương thức quản lý tài sản trí tuệ.
– Hoạt động: Các dự án, sáng kiến cải tiến cần được thiết lập phù hợp với chiến lược và mục tiêu.
– Đánh giá: Hiệu suất của Hệ thống quản lý đổi mới phải được thường xuyên được đánh giá để xác định những kết quả đạt được và những điểm cần cải tiến.
– Cải tiến: Dựa trên đánh giá, hệ thống cần được cải thiện bằng cách giải quyết những lỗ hổng quan trọng nhất liên quan đến hiểu biết về bối cảnh, khả năng lãnh đạo, lập kế hoạch, hỗ trợ và hoạt động.
Nguồn: TBT Quảng Ninh