Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).
Ngày 01/6/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 09/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư 40/2015/TT-BCT quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).
Theo đó, ban hành Quy tắc cụ thể mặt hàng (HS 2017) thay thế Quy tắc cụ thể mặt hàng (Phụ lục II) ban hành kèm theo Thông tư 40/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015.
Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư 09/2022/TT-BCT được xây dựng trên cơ sở Hệ thống Hài hòa (HS 2017). Trong khi đó, Quy tắc cụ thể mặt hàng ban hành kèm theo Thông tư 40/2015/TT-BCT được xây dựng trên cơ sở Hệ thống Hài hòa (HS 2012).
Trường hợp có bất kỳ sự khác biệt nào giữa phần mô tả tại Phụ lục này với phần mô tả tại văn kiện pháp lý của Hệ thống Hài hòa do Tổ chức Hải quan Thế giới xây dựng, phần mô tả tại Hệ thống Hài hòa của Tổ chức Hải quan Thế giới được áp dụng.
Quy tắc xuất xứ cụ thể hoặc bộ quy tắc xuất xứ cụ thể áp dụng cho một phân nhóm HS riêng biệt được xây dựng liền kề ngay phân nhóm đó.
Khi một phân nhóm HS cụ thể áp dụng tiêu chí xuất xứ lựa chọn, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong các tiêu chí lựa chọn đó.
Khi một quy tắc xuất xứ cụ thể quy định sử dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa có nghĩa là mỗi nguyên liệu không có xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa đó phải đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa tương ứng. Yêu cầu về chuyển đổi mã số hàng hóa chỉ áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ.
Khi một quy tắc xuất xứ cụ thể quy định sử dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa nhưng loại trừ chuyển đổi từ các dòng thuế ở cấp độ chương, nhóm hoặc phân nhóm của Hệ thống Hài hòa có nghĩa là nguyên liệu phân loại tại các trường hợp mã HS loại trừ đó phải có xuất xứ thì hàng hóa mới được coi là có xuất xứ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2022.
Nguồn: TBT Quảng Ninh