Ngày 01/6/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 10/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Trong đó tại phụ lục I, quy định về kiểm tra, xác minh tại Nước thành viên xuất khẩu như sau:
Trước khi tiến hành đi kiểm tra tại Nước thành viên xuất khẩu, Nước thành viên nhập khẩu phải gửi thông báo bằng văn bản về dự định đi kiểm tra tại Nước thành viên xuất khẩu tới: Nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có nhà xưởng sẽ bị kiểm tra. Tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu sẽ bị kiểm tra. Cơ quan hải quan của Nước thành viên nơi sẽ bị kiểm tra. Nhà nhập khẩu có hàng hóa cần phải kiểm tra.
Trong văn bản thông báo phải có đầy đủ các nội dung sau: Tên của cơ quan hải quan hoặc cơ quan Chính phủ ra thông báo; Tên của Nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có nhà xưởng bị kiểm tra; Ngày dự kiến đi kiểm tra; Phạm vi đề nghị kiểm tra, bao gồm cả dẫn chiếu liên quan đến hàng hóa chịu sự kiểm tra; Tên và chức danh của cán bộ đi kiểm tra.
Nhà xuất khẩu hoặc Nhà sản xuất có nhà xưởng bị kiểm tra gửi văn bản cho Nước thành viên nhập khẩu chấp thuận việc kiểm tra. Trường hợp không nhận được văn bản chấp thuận kiểm tra của Nhà xuất khẩu hoặc Nhà sản xuất trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo, Nước thành viên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi đối với hàng hóa cần kiểm tra.
Khi nhận được thông báo, tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền có thể đề nghị hoãn kiểm tra và thông báo cho Nước thành viên nhập khẩu về đề nghị này. Trong trường hợp này, việc kiểm tra cũng phải được thực hiện trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Thời hạn hoãn kiểm tra có thể kéo dài hơn trong trường hợp các bên nhất trí với nhau.
Nước thành viên tiến hành kiểm tra phải cung cấp cho Nhà xuất khẩu hoặc Nhà sản xuất và tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan kết luận bằng văn bản về việc sản phẩm được kiểm tra có đáp ứng tiêu chí xuất xứ hay không. Việc tạm thời không cho hưởng ưu đãi sẽ bị hủy bỏ sau khi có văn bản kết luận cho thấy hàng hóa có xuất xứ.
Nhà xuất khẩu hoặc Nhà sản xuất có quyền giải trình bằng văn bản hoặc cung cấp thêm thông tin để chứng minh xuất xứ của hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kết luận xuất xứ của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa vẫn bị chứng minh là không có xuất xứ, quyết định cuối cùng sẽ được thông báo cho tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được giải trình hoặc thông tin bổ sung của Nhà xuất khẩu hoặc Nhà sản xuất.
Quá trình kiểm tra, bao gồm việc đi kiểm tra thực tế và quyết định về việc sản phẩm nghi vấn có đáp ứng quy tắc xuất xứ hay không, phải được thực hiện và thông báo kết quả cho tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn tối đa là 180 ngày.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 7 năm 2022.
Nguồn: TBT Quảng Ninh