Ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 583/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó định hướng chung phát triển thị trường xuất khẩu gạo: Chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống. Đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA.

Tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường gần, thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu nhập khẩu gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại; Phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; tăng xuất khẩu vào các thị trường FTA có dành ưu đãi cho mặt hàng gạo; Từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định; tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trưởng.

Giữ tỷ trọng gạo trắng, hạt dài phẩm cấp cao ở mức hợp lý (khoảng từ 15 – 20%), giảm tỷ trọng gạo phẩm cấp trung bình và thấp; tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica, gạo hữu cơ; Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, gạo có vi chất dinh dưỡng, bột gạo, mỹ phẩm từ gạo. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa, tăng tỷ lệ chế biến sâu các sản phẩm từ gạo, sử dụng hiệu quả thương hiệu gạo xuất khẩu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng tăng và thương mại gạo thế giới đối mặt với nhiều diễn biến khó đoán định như thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại,…. Để phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, lấy nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất, xuất khẩu, các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện thể chế; Giải pháp về nguồn cung gạo; Giải pháp về phía cầu (công tác đàm phán, mở cửa thị trường, Tăng cường đổi mới công tác thông tin); Giải pháp về hỗ trợ xuất khẩu; Giải pháp về phát triển năng lực khối tư nhân.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030.

Nguồn: TBT Quảng Ninh