Ngày 24/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 về việc ban hành bộ tiêu chí và đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm, thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg. Theo đó quy định cụ thể như sau:

Về phân nhóm sản phẩm: Cơ bản giữ 26 bộ sản phẩm như Quyết định số 1048/QĐ-TTg, tuy nhiên, thay đổi các bộ sản phẩm. Cụ thể, bổ sung thêm 3 bộ sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm sinh vật cảnh gồm: hoa, cây cảnh và động vật cảnh.

Về cấu trúc các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP: giữ nguyên cấu trúc của bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 3 phần (sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm). Tuy nhiên, điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần thành 40-25-35.

Về nội hàm nội dung của các tiêu chí: đối với sản phẩm tươi sống thì tiêu chí thể hiện là nguồn gốc sản phẩm (thay vì nguyên liệu). Liên kết chuỗi sản xuất được quy định theo khối lượng đầu vào/nguyên liệu đầu vào. Làm rõ yêu cầu về nguồn gốc, ý tưởng sản phẩm theo hướng đặc trưng, nổi trội, bản sắc, trí tuệ địa phương; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn hàng hóa,.

Về bổ sung một số chỉ tiêu mới: bổ sung một số tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số như: sở hữu trí tuệ; tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm; điểm khuyến khích cho chủ thể là nữ/đồng bào dân tộc thiểu số…

Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới: hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được sửa đổi theo hướng giảm bớt các biểu mẫu như: phiếu đăng ký sản phẩm tham gia chương trình; phương án sản xuất kinh doanh… Đồng thời, bổ sung “báo cáo tự đánh giá của chủ thể”.

Phân cấp đánh giá: việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cũng được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Nguồn: TBT Quảng Ninh