Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030.
Theo đó mục tiêu đến năm 2025: Xây dựng sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn để tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu; Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thành tiêu chuẩn quốc gia; Xây dựng và ban hành Danh mục tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ ngành, địa phương; Hoàn thiện Khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với phát triển kinh tế xã hội theo từng thời kỳ; tối thiểu 3-5 Bộ ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo Khung kế hoạch này.
Tối thiểu 5% các tiêu chuẩn quốc gia mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai của các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp; Tối thiểu 60% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố; đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 60% thành viên Ban kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn quốc gia. Tổ chức các khóa đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ, chuyên gia làm công tác tiêu chuẩn tại các bộ, ngành và doanh nghiệp;
Phấn đấu đưa Việt Nam tham gia Hội đồng của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO; trở thành thành viên đầy đủ của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC); Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia, chuyên gia tham gia Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc tế và cơ sở dữ liệu thông tin về hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ nhu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
Đến năm 2030: Tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 70 % – 75%; Hoàn thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo yêu cầu quản lý của các Bộ ngành, địa phương; Tất cả các bộ, ngành hoàn thiện việc lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo Khung kế hoạch.
Tối thiểu 10 % các tiêu chuẩn quốc gia mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai của các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp; Tối thiểu 80% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Việt Nam tham gia Hội đồng của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế; Phấn đấu Việt Nam trở thành thành viên Ban quản lý kỹ thuật (TMB) của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO; tham gia vào 5-7 Ban kỹ thuật IEC. Hình thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng dữ liệu và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hệ thống thông tin về cơ sở dữ liệu Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn quốc gia được kết nối với bộ, ngành, địa phương.
Toàn văn dự thảo được đang tải tại địa chỉ: https://www.most.gov.vn/
Nguồn: TBT Quảng Ninh