Bộ Y tế đang dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của 70 yếu tố hóa học tại nơi làm việc. Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép 70 yếu tố hóa học trong không khí nơi làm việc

Quy chuẩn này áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường lao động; các cơ quan, tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động; các tổ chức, cá nhân có các hoạt động phát sinh các hóa chất trong không khí nơi làm việc. 

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn, triển khai và tổ chức thực hiện quy chuẩn này. Trong trường hợp các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, văn bản pháp quy được viện dẫn trong quy chuẩn này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định tại văn bản mới.

Trong dự thảo này, Bộ Y tế cũng nêu rõ sự cần thiết phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Acrolein, Benzoyl peroxit, chì và các hợp chất. Đối với Acrolein, Acrolein có tên danh pháp theo IUPAC là 2-propenal, là aldehyde không no đơn giản nhất. Đây là chất lỏng không màu với mùi hôi thối, đục. Công thức hóa học: CH2CHCHO. Tên khác: acraldehyde; acrylic aldehyde; allyl aldehyde; ethylene aldehyde; acrylaldehyde.

Các nước trên thế giới đa số đã xây dựng giá trị giới hạn tối đa cho phép của chì và các hợp chất trong không khí nơi làm việc. Tại Việt Nam, đã có quy định về giới hạn cho phép chì và các hợp chất tại nơi làm việc tại QĐ số 3733/2002/BYT. Tuy nhiên đây mới là Tiêu chuẩn ngành của Bộ Y tế. Các quy định chưa cụ thể và chưa cập nhật, chưa có quy định về phương pháp xác định.

Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ở Việt Nam, cần xây dựng quy chuẩn quốc gia (QCVN), quy định về giới hạn tiếp xúc cho phép với chì và các hợp chất tại nơi làm việc nhằm cập nhật và hòa nhập với quốc tế, bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.

Nguồn: TBT Quảng Ninh