Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nông nghiệp và trang trại nắm rõ những cơ hội và thách thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Hiệp hội Trang trại và DN Nông nghiệp Việt Nam, tổ chức Hội thảo “Làm thế nào để tận dụng cơ hội của EVFTA và nâng cao năng lực doanh nghiệp nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”.
Cơ hội lớn mở rộng thị trường XK nông sản
Đầu tháng 8/2020, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực, điều này đồng nghĩa với việc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới với cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu (XK), gia tăng triển vọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cùng với các biện pháp và chương trình hỗ trợ của Chính phủ, EVFTA sẽ góp phần quan trọng giúp DN vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường và phục hồi sản xuất tốt hơn, mở ra cơ hội cho DN Việt thực hiện các hoạt động XK sang thị trường EU, đặc biệt là các DN ngành nông nghiệp.
Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nông lâm, thủy sản XK của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GPD đạt 15.000 tỷ USD.
EU hiện là thị trường quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, chiếm khoảng 11,75% thị phần trong tổng XK NLTS của Việt Nam năm 2019). Kim ngạch XK nông lâm thủy sản (NLTS) sang EU ổn định ở mức gần 5 tỷ USD/năm, thặng dự trung bình 4 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm qua (2017-2019). Như vậy, lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn dự địa tăng trưởng XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
Ông Lê Duy Minh – Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) – cho biết, Hiệp định EVFTA thực sự là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho XK NLTS. Đặc biệt, với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hồ tiêu, các sản phẩm đồ gỗ. Một cơ hội lớn khác là tăng cường các hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam đi kèm với chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng quản lý, lao động. Điều này sẽ tăng sản lượng, chất lường NLTS để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“EVFTA là một hiệp định thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng” – Chủ tịch VFAEA nhấn mạnh.
Chia sẻ cơ hội từ Hiệp đinh EVFTA, bà Bà Phạm Thị Huân – Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân khẳng định, từ ngày 1/ 8/2020, sau khi Hiệp định có hiệu lực nhiều DN nông nghiệp của Việt Nam có nhiều cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu các mặt hàng NLTS. Tuy nhiên cũng còn nhiều thách thức lớn ở phía trước. đòi hỏi các DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.
Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy XK
Đối với XK của Việt Nam, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xoa bỏ thuế NK khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu (NK) đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam…
Tại hội nghị các ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý, nhà khoa học, các kinh nghiệm của các doanh nhân đã và đang XK. Ngoài chia sẻ những kinh nghiệm các đại biểu cũng nêu ra những hạn chế, đề xuất các giải pháp, thúc đẩy phát triển sản xuất, XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU nói riêng và thị trường quốc tế nói chung một cách bền vững, tận dụng hiệu quả các lợi thế từ Hiệp định EVFTA mạng lại.
Các chuyên gia cũng phân tích, dù gặp thuận lợi về thuế quan nhưng để vào được EU, hàng hóa, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản mang tính kỹ thuật.
Để tận dụng tốt cơ hội về thương mại và đầu tư, các DN nông nghiệp, trang trại, HTX cần đáp ứng một loạt yêu cầu khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và ATTP, tiêu chuẩn bền vững về môi trường, phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
TS. Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng – Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân băng về lợi ích cho Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ngoài việc giảm thuế đối với nông sản còn có cả vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ và bản quyền, phát minh, sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu… đây là những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản cho XK vào châu Âu.
Nhiều đại biểu và các nhà khoa học cũng cho rằng, EVFTA từ việc tháo gỡ hàng rào thuế quan, là cơ hội phân biệt rõ ràng và minh bạch hơn, giúp nông sản Việt Nam cạnh tranh một cách sòng phẳng, minh bạch trong nước và với các quốc gia có sản phẩm tương tự. Thị trường châu Âu là nơi nông sản Việt Nam có cơ hội giới thiệu và thương mại nhiều hơn bởi sự đa dạng về giống cây trồng, chất lượng đảm bảo, sản lượng ổn định. Đồng thời, nông dân, DN Việt Nam hoàn toàn có thể thỏa mãn các yeu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật và cạnh tranh tốt với sản phẩm tương tự.
Từ việc bán nông sản chỉ dựa vào chất lượng với hiệu quả chưa cao tiến tới cơ hội bán nông sản theo sự tích hợp chất lượng và giá trị sẽ mang lại cơ hội tốt và gia tăng thu nhập, lợi nhuận cho các nhân tố tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản Việt Nam.
Ở góc độ DN ông Trần Thế Như Hiệp – đại diện Công ty TNHH Công nghệ NhoNho nhìn nhận, hiện nay đa phần DN nông nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính hạn hẹp, khả năng tiếp cận nguồn vốn, đầu tư công nghệ sản xuất hạn chế nên việc nâng cao giá trị sản phẩm chưa hiệu quả.
Để nâng cao thị phần và giá trị xuất khẩu, ông đã đưa ra nhiều giải pháp để DN vượt qua rào cản của thị trường đích EU. Cụ thể, Giải pháp tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa. Trong đó các DN phải xác định quy mô sản xuất theo từng ngành hàng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ XK nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến, chế biến sâu, từ giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị gia tăng cao; Đầu tư đổi mới và nâng cao công nghệ máy móc, công nghệ sản xuất; Đổi mới công nghệ mềm, chứng nhận tiêu chuẩn tiên tiến.
“Để đáp ứng rào cản kỹ thuật của quốc gia NK, các DN, trang trại sản xuất cần phải áp dụng các quy trình tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng hệ thống quả lý như: VietGAP, GlobalGAP, FOS, ÁC, BAP… đáp ứng theo yêu cầu của nhà NK và người tiêu dùng” – ông Trần Thế Như Hiệp nhấn mạnh.