Ngày 27/10/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BTNMT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng.

Theo đó, quy định về phương tiện đo trong quan trắc gồm: Phương tiện đo, thiết bị đo dùng trong quan trắc khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao thuộc danh mục phải kiểm định, hiệu chuẩn được thực hiện đúng quy định của pháp luật về đo lường; Các chỉ tiêu thông số kỹ thuật đối với các phương tiện đo tối thiểu đạt mức quy định trong Quy chuẩn này; Chấp nhận những chỉ tiêu thông số kỹ thuật quốc gia và quốc tế có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn các quy định trong Quy chuẩn này; Phương tiện đo không thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định, hiệu chuẩn phải có hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, đặc tính kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Về quy định phòng cháy: tuyệt đối cấm đưa các nguồn gây lửa vào nhà điều chế khí hydro và nơi chứa khí hydro (như hút thuốc, sử dụng điện thoại di động, đi giày đinh, soi đèn dầu, làm va chạm các đồ bằng kim loại, mặc các đồ dễ gây dòng tĩnh điện và các nguồn dễ gây phát lửa khác). Đồng thời, phải có biển “CẤM LỬA” ở khu vực xung quanh cách nhà điều chế khí hydro không dưới 10 m, nhà điều chế hydro đều phải được bố trí 02 loại bình chữa cháy (bình chữa cháy khí CO2 và bình chữa cháy dạng bột), số lượng tối thiểu 3 bình mỗi loại. Các phương tiện đo nếu phát tín hiệu vô tuyến tại dải tần phải đăng ký thì phải được cấp phép của Cục Tần số vô tuyến điện. Đối với hệ thống thám không vô tuyến dải tần hoạt động đăng ký từ 400 MHz đến 406 MHz.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 28/4/2023. Quy chuẩn này thay thế Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng, mã số QCVN 46:2012/BTNMT được ban hành tại Thông tư số 25/2012/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nguồn: TBT Quảng Ninh