Tiếp theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được phê chuẩn vào cuối năm 2018 và có hiệu lực vào năm 2019, Việt Nam tiếp tục thể hiện quyết tâm trở thành một nền kinh tế hiện đại, mở cửa và cạnh tranh thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) mới được Nghị viện châu Âu phê chuẩn gần đây và dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy rõ một điều là đứng trước bối cảnh toàn cầu trong tương lai, thị trường và chuỗi cung ứng đa dạng sẽ là chìa khóa để quản lý rủi ro về gián đoạn trong thương mại và chuỗi cung ứng do thay đổi các mối quan hệ thương mại, biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. Việt Nam có vị thế mạnh hơn hầu hết các nước trong khu vực về những vấn đề này.
Lợi ích của toàn cầu hóa đang được tích cực thảo luận và đặt ra nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam, những lợi ích này đã được thể hiện rõ ràng qua tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhất quán và tỷ lệ nghèo giảm mạnh. Khi Việt Nam tiến hành phê chuẩn và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, điều quan trọng là phải chứng minh một cách rõ ràng và minh bạch những lợi ích kinh tế và tác động về phân phối thu nhập (theo ngành và về giảm nghèo,…) khi tham gia vào các FTA này. Đồng thời, cần thực hiện đánh giá những khác biệt về pháp lý để đảm bảo các quy định pháp luật trong nước phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam theo các hiệp định này. Cuối cùng, sự sẵn sàng thực hiện các FTA thế hệ mới ở cả trung ương và địa phương có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo Việt Nam có thể tối đa hóa toàn bộ lợi ích kinh tế về thương mại và đầu tư.
Báo cáo “Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA” phân tích các vấn đề về toàn cầu hóa và hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt thông qua việc thực hiện EVFTA.